Phát hiện lũ ào ào đổ về lúc nửa đêm, gia đình chị Hường chỉ kịp chuyển quần áo, nồi niêu lên mái nhà, đồ điện đưa ra đường lớn. Đến 1h, nước dâng quá cổ người. 3 tiếng sau nhà chị chỉ còn thấy mỏm nóc.
Ngày 21/7, trời vừa nhá nhem tối lại thêm cơn mưa rào bất chợt khiến bà Vương Thị Bồng (thôn Rọ Phải, xã Mai Pha, TP Lạng Sơn) vội vã trao đứa cháu một tuổi đang khóc thét nhờ người khách lạ bế, còn mình cùng chồng căng bạt che đống dưa hấu lấm bùn vừa được con trai chở về. Nhanh tay nhặt dưa từ thùng xe cho vào bạt, bà Bồng bảo: "Đây là chuyến thứ hai, chở xong 2 chuyến dưa nữa chắc cũng phải 7-8 giờ tối. Ruộng cách nhà không xa, dưa cũng được cả gia đình bới bùn nhặt lên rồi nhưng bây giờ đường lầy khó đi lại được".Bà Vương Thị Bồng, xã Mai Pha, TP Lạng Sơn buồn bã nhắc chuyện ruộng dưa, ruộng lúa của gia đình bị lũ lụt làm thiệt hại. Ảnh: Quỳnh Trang. |
"Dưa bị ngâm nước, nếu 3-4 ngày nữa không bán được sẽ hỏng. Thương lái chợ Giếng Vuông hôm trước hứa mua, nay kho hoa quả trong chợ của họ bị thối nên chưa chịu lấy hàng. Bao nhiêu vốn liếng gia đình tôi đều dồn vào ruộng dưa ấy", nhìn vào đống dưa chất đầy lấm lem bùn đất, có những quả đã bắt đầu bị đốm thối, bà Bồng trầm giọng.
5 sào lúa đang vào vụ của gia đình, bà Bồng đoán chừng đã bị mọc mầm quá nửa do ngâm nước lâu. Người phụ nữ dân tộc Nùng với đôi mắt sưng vì mấy ngày thiếu ngủ lo âu: "Đến hôm gặt thóc về nhà mà không có chỗ phơi thì cũng hỏng hết".
Cùng hoàn cảnh với gia đình bà Bồng, nhiều hộ dân có ruộng trồng ngô, bí đỏ, khoai môn ở cánh đồng sân bay Mai Pha thiệt hại nặng nề. Lúa có chỗ đen sì bùn đất và bị thối úng, chỗ ngập trắng trông như mặt hồ. Các ruộng ngô thì đổ ngả nghiêng, lá ngô, lá khoai môn bám đầy bùn đất do nước nhấn chìm ngọn, nắng lên bắt đầu khô héo.
"Loại khoai này ngâm nước 2-3 ngày thì củ cũng thối mà thôi", anh Minh đang giăng lưới bắt cá ở ruộng lúa ngập nước bên cạnh nói.
Các ruộng lúa ở cánh đồng sân bay Mai Pha bị ngậm trong nước thối đen, mọc mầm. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Nhớ lại ngày nước tràn, người dân Mai Pha không khỏi rùng mình vì chưa bao giờ thấy lũ lên nhanh như thế. "23h ngày 19/7, tôi phát hiện lũ tràn vào đến sân nên hô hoán mọi người khuân vác đồ điện, quần áo, thức ăn khô lên đường, được khoảng 10 chuyến thì nước đã ngập đến cổ", bà Bồng nói. Chiếc tủ lạnh, tủ gỗ lớn bà mua giá 2,5 triệu đồng khi "một chỉ vàng mới có 800.000", do không chạy kịp nên giờ phải bỏ đi vì sợ chập điện. Năm 2008, gia đình bà cũng phải chịu trận lũ lịch sử nhưng thiệt hại ít hơn năm nay vì nước lên chậm, vào ban ngày nên ứng phó kịp.
Trong hơn 20 ngôi nhà ở khu ven sông Kỳ Cùng, xã Mai Pha, nhà thuộc diện cao ráo nhất mà nước lũ cũng ngập đến nửa cầu thang lên tầng hai. Những ngôi nhà cấp bốn bên cạnh, chỉ còn thấy mái. Cho xem bức ảnh ngôi nhà của mình bị chìm trong biển nước, chị Phạm Thị Hường (27 tuổi) bảo, không ngờ nước ngập cao thế. Những năm trước nhà chị đều chạy lũ 2-3 lần nhưng lụt không vào nên năm nay chủ quan.
Đêm hôm đó khi lũ dâng lên, gia đình chị Hường chỉ kịp chuyển quần áo, nồi niêu lên nóc mái, đồ điện thì chuyển lên đường lớn. Đến 1h sáng, nước dâng quá cổ người. 4h thì ngôi nhà cấp 4 của gia đình chị chỉ còn trơ mỏm nóc, xoong chậu, nồi niêu trôi lềnh bềnh. Chồng chị Hường mượn được chiếc bè bơi vào vớt vát được chút ít.
Ngôi nhà của gia đình chị Hường ở xã Mai Pha, TP Lạng Sơn trong cơn lụt. Ảnh: NVCC. |
Hiện, gia đình chị Hường, bà Bồng và các hộ dân khu ven sông phải dựng lều bạt trên đường lớn ở tạm. Hơn 2 ngày qua, lương thực chủ yếu của họ là mỳ tôm sống vì điện không có, nước uống chỉ còn ít trong chiếc bình may mắn vác kịp lên. Nhà nào có ít bánh kẹo thì chia cho cả xóm ăn "đổi vị". Những đứa trẻ mới 7 tháng, một tuổi trong gia đình chị Hường, bà Bồng phải mút sữa tươi đóng hộp thay cháo, bột vì không có đồ đun, nấu. "Ngày đầu của cơn lụt, nước dâng ngập các tuyến đường, chia cắt khu Mai Pha với TP Lạng Sơn nên có tiền cũng không mua đồ ăn được", chị Hường nói.
Rạng sáng 21/7 khi nước bắt đầu rút, những người dân Mai Pha cũng trở về lấy nước lũ gột rửa nhà cửa. Điện giờ đã có để sinh hoạt, nấu nướng nhưng nước máy chưa có. Cả khu có một chiếc giếng đựng nước nguồn đổ về, mọi người chia nhau từng ít nấu ăn. Mua được mấy quả bí đao, người cháu bà Bồng rạng rỡ: "3 hôm nay mới được nấu cơm. Thịt thà đắt quá, tôi chẳng dám mua cải thiện bữa cơm gia đình".
Quỳnh Trang
Chuyển đổi codeChuyển đổi code Biểu tượng cảm xúcBiểu tượng cảm xúc